Kỹ Thuật & Công Nghệ

Tại sao lốp xe lại có màu đen trong khi cao su tự nhiên vốn có màu trắng?


Cao su tự nhiên có màu trắng, vậy tại sao lốp xe lại luôn có màu đen? Theo hãng sản xuất lốp xe Bridgestone của Nhật Bản, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Lốp xe từng có màu trắng, nhưng việc bổ sung chất gọi là carbon đen (carbon black) đã trở thành tiêu chuẩn vì giúp tăng độ bền cho sản phẩm.

Carbon đen là dạng carbon gần như tinh khiết (chiếm khoảng 97%) và được tạo ra từ quá trình đốt không hoàn toàn – khi không có đủ oxy để tạo ra các sản phẩm đốt cháy thông thường như CO₂ và H₂O – của các sản phẩm dầu mỏ trong điều kiện kiểm soát. Nó có dạng bột mịn hoặc hạt nhỏ màu đen, và thường được thêm vào cao su, nhựa và mực in, cũng như trong chế tạo lốp xe. Theo Hiệp hội Carbon Đen Quốc tế (International Carbon Black Association), mỗi năm có khoảng 8,1 triệu tấn carbon đen được sản xuất trên toàn cầu.

Tại sao lốp xe lại có màu đen trong khi cao su tự nhiên vốn có màu trắng?- Ảnh 1.

Việc bổ sung carbon đen giúp lốp xe chịu được nhiệt tốt hơn, chống mài mòn cao hơn và nhìn chung là bền hơn. Ngoài ra, chất này còn bảo vệ lốp khỏi tác động của tia UV và ozone – những yếu tố có thể làm cao su nhanh chóng xuống cấp. Nói cách khác, carbon đen giúp kéo dài tuổi thọ của lốp xe. Theo hãng Goodyear Motors, các loại lốp không chứa carbon đen hiếm khi đạt được tuổi thọ hơn 8.000 km – tức người dùng sẽ phải thay lốp xe ít nhất một hoặc hai lần mỗi năm.

Carbon đen cũng làm cho hợp chất cao su trong lốp dẫn điện tốt hơn, nhờ đó tránh được tình trạng tích tụ điện tích tĩnh – có thể gây sốc điện trong một số tình huống. Ngoài ra, một lợi ích mang tính thẩm mỹ là lốp đen dễ che đi bụi bẩn, giúp xe trông sạch sẽ hơn.

Tất nhiên, giống như màu sắc, chất liệu của lốp xe cũng đã thay đổi theo thời gian. Theo tạp chí Road & Track, những chiếc lốp đầu tiên không hề làm từ cao su mà từ gỗ, được bọc thêm một lớp sắt. Điều này có thể phù hợp với xe ngựa thời xưa, nhưng không thể đáp ứng được yêu cầu của xe cơ giới hiện đại. Những thiết kế ban đầu – như ống cao su bọc da của Robert Thomson – không đủ bền để đi xa. Chỉ đến khi John Boyd Dunlop phát minh ra lốp hơi và được cấp bằng sáng chế năm 1888, loại lốp cao su hiện đại mà chúng ta sử dụng ngày nay mới thực sự ra đời.



Nguồn : Source link

Tin Liên Quan

Back to top button