‘Với đồ Trung Quốc thì đừng ham rẻ mà nhận của ôi’


Được anh em mê xe thân quen gọi với biệt danh “Mỡ Mỡ”, Nguyễn Kông Bá (Hà Nội) là một người chơi xe có niềm đam mê sâu sắc với cơ khí và máy móc ô tô. Hiện tại, Bá sử dụng một chiếc Ford Focus từ năm 2016 – chiếc xe mà anh đã tự tay tháo lắp nhiều chi tiết, đặt mua hàng loạt phụ tùng để phục hồi, nâng cấp và cá nhân hóa theo sở thích.

Không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc xe của mình, Bá còn thường xuyên hỗ trợ bạn bè đặt mua phụ tùng độ và tư vấn độ xe. Nhờ đó, anh đã có cơ hội tiếp xúc và tự tay thao tác trên nhiều dòng xe khác nhau, trong đó chủ yếu là xe Mỹ, bên cạnh đó còn có một số mẫu xe Đức và Nhật.

Kông Bá là một người đam mê “tháo lắp” ô tô. Ảnh: AP

Chúng tôi đã có dịp trò chuyện với anh Nguyễn Kông Bá để lắng nghe góc nhìn của anh về thị trường linh kiện, phụ tùng ô tô hiện nay, trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc trà trộn vào thị trường.

Là một người đã từng tự tay tháo lắp nhiều linh kiện xe, tự mua đồ độ xe, phụ tùng thay thế cho nhiều chiếc xe, bạn nghĩ thế nào về thị trường phụ tùng, linh kiện ô tô hiện nay?

Thị trường phụ tùng và linh kiện ô tô hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập, trong đó đáng lo ngại nhất là tình trạng thiếu minh bạch về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Nhiều chủng loại hàng hóa được phân phối mà không có rõ đơn vị sản xuất, hoặc gắn mác thương hiệu một cách tùy tiện (hàng giả, hàng nhái). Điều này khiến việc lựa chọn phụ tùng cho xe không khác gì một “canh bạc may rủi”.

Một bộ phận không nhỏ các tiểu thương và đơn vị kinh doanh phụ tùng chỉ chú trọng yếu tố “lắp vừa là xong” cộng với bài toán lợi nhuận, bỏ qua các tiêu chí kỹ thuật quan trọng như độ bền, dung sai vật liệu, khả năng chịu tải, cũng như ảnh hưởng lâu dài tới hệ thống vận hành của xe. Trong khi đó, các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc có chất lượng thấp đang chiếm tỷ trọng lớn trong phân khúc phổ thông nhờ mức giá rẻ, mẫu mã đa dạng và dễ tiếp cận, nhưng chất lượng thấp. Các đơn vị kinh doanh sẽ đánh vào yếu tố giá rẻ đó để thu hút khách hàng.

Theo bạn, hậu quả của việc lắp những món phụ tùng kém chất lượng sẽ như thế nào?

Việc sử dụng phụ tùng không rõ nguồn gốc hoặc kém chất lượng có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho xe. Những linh kiện này thường không đáp ứng các tiêu chuẩn về vật liệu, độ chính xác kỹ thuật và khả năng chịu tải, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất vận hành, độ ổn định và an toàn của phương tiện.

Các chi tiết cao su sẽ bị lão hóa và hư hỏng theo thời gian, đòi hỏi chủ xe phải thay thế định kỳ. Tuy nhiên, ví dụ, cùng một chi tiết chân máy của một mẫu xe có rất nhiều đơn vị sản xuất, đòi hỏi người dùng phải “thông minh” để lựa chọn được loại tốt. Ảnh: AP

Trong hệ thống kỹ thuật đồng bộ của ô tô, một chi tiết không đạt chuẩn có thể tạo ra sai lệch về dung sai, gây mài mòn bất thường hoặc hư hỏng dây chuyền các bộ phận liên quan như hệ thống treo, lái, phanh. Ngoài rủi ro kỹ thuật, việc dùng linh kiện trôi nổi còn khiến chủ xe tốn thêm chi phí sửa chữa định kỳ, giảm tuổi thọ xe.

Bạn đã từng có trải nghiệm với sản phẩm kém chất lượng chưa? Nếu có, bạn so sánh chất lượng của món đồ đó bằng khoảng bao nhiêu % so với hàng chính hãng và hàng xịn có tên tuổi?

Cá nhân mình chưa từng sử dụng phụ tùng kém chất lượng, nhưng mình đã chứng kiến nhiều anh em chơi xe rơi vào tình huống đó. Không ít người ban đầu chọn các sản phẩm giá rẻ, bị các garage “lùa”. Nhưng sau một thời gian sử dụng, xe phát sinh lỗi, vận hành không ổn định hoặc phải thay đi thay lại nhiều lần. Khi đó, họ tìm đến mình, và mình thường khuyên nên chuyển sang sử dụng phụ tùng chính hãng hoặc từ các thương hiệu uy tín đã được kiểm chứng chất lượng.

Kông Bá từng tự tay thay thế nhiều chi tiết dàn gầm xe C 300 W204 của một người bạn với chi phí mua đồ lên tới cả trăm triệu đồng, trong khi có garage đưa ra gợi ý chỉ hơn 30 triệu đồng để “dọn” lại xe bằng các chi tiết tương tự nhưng không rõ nguồn gốc. Ảnh: Phúc Thành

Mình đang sử dụng xe Ford Focus, nên nhiều anh em chơi cùng dòng xe này thường tìm đến mình để trao đổi, hỏi kinh nghiệm. Có người vừa thay rô-tuyn cân bằng bằng loại hàng trôi nổi giá rẻ, mới chạy được vài bữa đã bị rơ. Có trường hợp khác, vừa thay bugi xong, mang xe đi đăng kiểm, đến lúc kiểm định viên đạp thử ga thì một chiếc bugi… chết ngay tại chỗ.

Năm ngoái, mình có đặt phụ tùng để thay cho hai chiếc xe Đức của bạn bè: một chiếc BMW 320i đời G20 và một chiếc Mercedes-Benz C 300 đời W204. Trong quá trình tìm kiếm linh kiện, mình mới thấy rõ sự chênh lệch rất lớn trên thị trường. Ví dụ điển hình là bộ càng I và càng C của những chiếc xe Đức này: với mức giá mua được 1 món hàng hãng Lemforder (OEM) hoặc đồ độ chất lượng (Hardrace), người ta có thể mua tới 8 món phụ tùng trôi nổi, gồm cả càng I, càng C, rô-tuyn lái trong, ngoài và rô-tuyn cân bằng… Về mặt kinh tế nghe có vẻ “rất hời”, nhưng xét về độ bền và an toàn thì sự khác biệt là rất lớn.

Tìm kiếm trên eBay, một cặp càng Lemforder hàng OEM cho xe Mercedes-Benz C 300 có giá bằng một bộ 10 chi tiết dàn gầm “kém chất lượng”.

Những chuyện như vậy không hiếm. Thực tế, các sản phẩm giá rẻ đánh trúng tâm lý một bộ phận người tiêu dùng ưa “ngon, bổ, rẻ”, nhưng lại không được kiểm định rõ ràng, không có đơn vị nào chịu trách nhiệm về chất lượng. Dù hình thức có thể làm giống tới 90%, nhưng chất lượng thực tế thường chỉ đạt một nửa, thậm chí một phần ba so với linh kiện chính hãng.

Trước một thị trường tràn ngập đồ Trung Quốc kém chất lượng trà trộn vào như vậy, bạn nghĩ sao? Bạn tư vấn người thân và bạn bè thế nào để thuyết phục họ tránh mua phải những món đồ như vậy?

Vì sao trên thị trường hiện nay lại tràn ngập phụ tùng ô tô giá rẻ có xuất xứ từ Trung Quốc? Làm thế nào để người dùng có thể phân biệt và lựa chọn được sản phẩm thực sự chất lượng? Khi đã lắp đặt, chế độ hậu mãi và bảo hành liệu có được đảm bảo như cam kết? Và tại sao nhiều người dù biết rõ rủi ro của hàng giá rẻ nhưng vẫn sẵn sàng đánh đổi, chấp nhận sử dụng? Phải chăng vì có cầu nên mới có cung?

Bản thân Kông Bá cũng cảm thấy “đau đầu” khi đặt mua phụ tùng, linh kiện xe ở một thị trường mà hàng giả, hàng kém chất lượng tràn ngập có xuất xứ từ Trung Quốc. Ảnh: AP

Lời khuyên của mình là “tiền nào của nấy”, không có chuyện một sản phẩm vừa rẻ lại vừa đạt chất lượng cao. Người dùng xe cần tỉnh táo, đừng để mức giá hấp dẫn đánh lừa cảm xúc và lựa chọn những phụ tùng không ổn định, thiếu kiểm định. Bởi khi sự cố xảy ra, chi phí sửa chữa và thay thế lần thứ hai có thể còn cao hơn cả việc đầu tư ngay từ đầu vào sản phẩm chất lượng.

Hiện nay ô tô Trung Quốc cũng đang bắt đầu nở rộ. Khi đã biết về những món phụ tùng Trung Quốc kém chất lượng, bạn nghĩ ô tô của họ cũng như vậy không?

Mình chưa có cơ hội tiếp xúc thực tế với xe Trung Quốc nên không đưa ra đánh giá trực tiếp về trải nghiệm sử dụng. Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm cá nhân sau khi đã tiếp cận khá nhiều loại phụ tùng có xuất xứ từ Trung Quốc, mình có một vài góc nhìn mang tính tham khảo.

Các mẫu xe đến từ những thương hiệu Trung Quốc (ở đây mình nói đến các hãng còn ít tên tuổi, có xu hướng nhái theo thiết kế và công nghệ của các thương hiệu lớn) thường có mức giá rất cạnh tranh, phải nói là rẻ, đánh vào tâm lý người tiêu dùng phổ thông. Ngoài ra, việc trang bị nhiều tính năng hiện đại, cải tiến nhanh theo xu hướng cũng là yếu tố khiến những mẫu xe này dễ thu hút sự quan tâm của thị trường.

Các mẫu xe Trung Quốc hiện nay ngập tràn trang bị công nghệ hiện đại. Ảnh: GWM

Tuy nhiên, điều đáng cân nhắc nằm ở chất lượng tổng thể của sản phẩm. Các yếu tố như kết cấu kỹ thuật, độ hoàn thiện cơ khí và vật liệu chế tạo đều cần thời gian để được kiểm chứng một cách rõ ràng. Bên cạnh đó, tính thanh khoản sau khi sử dụng, khả năng duy trì hệ sinh thái phụ tùng thay thế và dịch vụ hậu mãi là những điểm hạn chế thường thấy, đặc biệt khi một số hãng có thể rút khỏi thị trường sau vài năm phân phối.

Dù thực tế cho thấy một số thương hiệu lớn của Trung Quốc đang cải thiện chất lượng và dần được người tiêu dùng quốc tế chấp nhận, thì với các thương hiệu nhỏ hơn, mức độ ổn định và độ tin cậy vẫn cần được kiểm chứng thêm.

Cảm ơn bạn đã chia sẻ.



Nguồn : Source link