10 tuổi đã đam mê ô tô, suốt 5 thập kỷ cùng General Motors bán ‘giấc mơ’ làm xe điện

Mary Barra được biết đến với vai trò nữ CEO đầu tiên của tập đoàn sản xuất ô tô lâu đời General Motors (GM). Nhờ phong cách lãnh đạo cứng rắn cũng những đối sách tài tình, bà – với sự nghiệp gắn liền với hãng xe hơi nức tiếng nước Mỹ – đã được nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá là một trong những CEO hoạt động hiệu quả nhất thế kỷ 21.
Mary Barra nhận ra đam mê đặc biệt của mình đối với ô tô từ năm 10 tuổi, khi bà lần đầu nhìn thấy chiếc Chevy Camaro mui trần đỏ cổ điển của anh họ. Đến tận thời điểm hiện tại, mỗi khi nhắc đến chiếc xe ấy, đôi mắt nâu của bà vẫn mở to và sáng rực: “Đó là một chiếc xe đẹp, rất đẹp”.

Barra, 64 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Waterford, một làng nhỏ thuộc quận Oakland, tiểu bang Michigan, Mỹ. Đây cũng là nơi mà cha bà đã dành 39 năm cuộc đời để làm việc tại General Motors với tư cách là nhà sản xuất khuôn.
Niềm đam mê với các loại xe ô tô đã đưa Barra đến với Học viện General Motors (sau đổi tên thành Đại học Kettering), một trường kỹ thuật hoạt động như cơ sở đào tạo kỹ sư cho GM. Tại đây, bà lấy được bằng kỹ sư điện và bắt đầu thực tập tại nhà máy sản xuất xe hơi Pontiac khi mới chỉ 18 tuổi.
“Ở giai đoạn đầu trong sự nghiệp, tôi thường xuyên được những người hướng dẫn là nam giới khuyến khích về việc lên tiếng trong các cuộc họp, không để cho những người đàn ông khác ngắt lời tôi và khuyên tôi không cần nói lời xin lỗi về những việc không đáng. Điều quan trọng nhất là họ đã khuyến khích tôi đảm nhiệm vai trò lãnh đạo. Đó cũng là điều mà tôi đang khuyến khích nhân viên của mình”, bà tâm sự.
Đến năm 2014, bà Barra đảm nhiệm chức vụ Giám đốc điều hành, đồng thời là người phụ nữ đầu tiên nằm trong ban lãnh đạo một nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới. Ngay sau đó, bà vươn lên đứng đầu trong danh sách 50 phụ nữ quyền lực nhất năm của tạp chí danh tiếng Fortune.

Ở vị trí CEO, bà luôn kêu gọi công ty tuyển dụng những nhân viên đa dạng kỹ năng, điều chỉnh văn hóa nội bộ cũng như chú trọng yếu tố đảm bảo an toàn sau nhiều lần thu hồi sản phẩm. Bà cũng thúc đẩy GM đổi mới, trong đó, ưu tiên hàng đầu là phát triển dòng xe tự hành – sản phẩm được cho là sớm trở thành tương lai của nhân loại.
Tờ CNN trước đó đã có bài phỏng vấn bà Mary Barra về hành trình lèo lái con thuyền mang tên General Motors. Khi được hỏi về cách điều hành một doanh nghiệp thành công, bà thừa nhận phải cần đến rất nhiều yếu tố.
“Đúng người, đúng văn hóa, đúng chiến lược. Để thành công, đội ngũ của bạn phải có sự đa dạng về ý tưởng và phải luôn sẵn sàng cộng tác với nhau một cách tích cực. Văn hóa công ty của bạn nên trao quyền nhiều hơn cho nhân viên và truyền cảm hứng để mọi người không ngừng theo đuổi tầm nhìn của công ty và luôn luôn hướng tới tính toàn vẹn. Ngoài ra, một chiến lược mạnh mẽ sẽ giúp bạn đạt mục tiêu và hãy luôn vạch ra chiến lược cụ thể cho năm nay cũng như 5, 10 hay 20 năm tới”, bà nói.
Sau sự cố GM buộc phải thu hồi hơn 2,6 triệu mẫu xe nhỏ vì lỗi công tắc đánh lửa khiến xe tắt máy và túi khí không hoạt động ngay trong lúc đang lưu thông hồi năm 2014 – thời điểm mới đảm nhận vị trí CEO, bà Barra đã chứng minh được năng lực của mình.

Sau khi xác định được nguyên nhân đến từ lỗi công tắc đánh lửa, bà mạnh tay sa thải 15 nhân viên cốt cán, trong đó có 8 giám đốc điều hành liên quan tới vụ việc. Bà cũng thành lập một quỹ bồi thường cho các nạn nhân và gia đình của họ với tổng số tiền lên đến 595 triệu USD, từ đó thu về cái nhìn thiện cảm hơn từ phía công chúng và đưa GM ra khỏi nguy cơ sụp đổ.
“Tôi không bao giờ muốn quên đi sự việc lần này. Tôi muốn ghi nhớ vĩnh viễn trải nghiệm đau đớn này trong ký ức của tất cả chúng ta”, nữ CEO phát biểu tại cuộc họp ở tòa thị chính. Nhiều người có mặt phải sửng sốt. Đơn giản vì điều đó không giống như bất cứ các đời CEO nào trước đây.
Trên thực tế, khủng hoảng khi đó không chỉ cho thấy sai sót của bộ máy điều hành, mà còn phản ánh vấn đề cốt lõi xoay quanh văn hóa làm việc cố hữu. Barra thẳng thắn thừa nhận rằng sai lầm của GM đến từ việc giữ im lặng và quan điểm thứ bậc.
Rõ ràng, đánh bại được một nền văn hóa lâu đời tại một doanh nghiệp khổng lồ không dễ dàng. Hầu hết mọi CEO của GM trong suốt 30 đều đã thử qua và gặp thất bại. Thế nhưng Mary Barra đã làm được điều đó.
Trong 5 năm tiếp theo, Barra đã dành tâm huyết để thúc đẩy công ty chuyển đổi, đón nhận sự đổi mới trong cách thức làm việc, quy trình vận hành và cả chiến lược tương lai. Bà còn thành lập một đường dây nóng mang tên “Lên tiếng vì sự an toàn” để tất cả các nhân viên dù ở cấp bậc nào cũng có thể báo cáo cấp trên về rủi ro của xe.


Cũng trong bài phỏng vấn với CNN, khi được hỏi làm thế nào để luôn đổi mới và cập nhật xu hướng trong thế giới kinh doanh, bà Barra khẳng định thời gian không phải là bạn của chúng ta. Tốc độ luôn đóng vai trò quan trọng trong bất cứ ngành công nghiệp nào.
“Tại General Motors, chúng tôi sống và làm việc theo một bộ các quy tắc nhất đình và một trong số đó có tên gọi là “Innovate Now” (Tạm dịch: Đổi mới ngay và luôn). Chính vì vậy, chúng tôi trao quyền cho các nhóm để họ có thể tư duy một cách đổi mới, sáng tạo và đồng thời hiểu được xu hướng vĩ mô.
Chúng tôi tìm cách sử dụng công nghệ để cung cấp giá trị cho khách hàng nhằm giúp cuộc sống của họ trở nên an toàn, tốt đẹp và dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang áp dụng công nghệ để phát triển một số ý tưởng kinh doanh như dịch vụ chia sẻ xe hơi Maven”.
Không dừng lại ở việc cải cách và vực dậy GM, Mary Barra còn tự đặt ra cho mình một mục tiêu táo bạo: đưa công ty trở thành doanh nghiệp bán ra nhiều xe điện ở Mỹ hơn cả Tesla – công ty chuyên về xe điện của Elon Musk.

Dĩ nhiên, để hoàn thành tham vọng lớn này, nữ CEO sẽ phải đối mặt với một số khó khăn lâu dài như lạm phát tăng vọt, lãi suất tăng cao, chi phí nguyên liệu bị đội giá lên gấp nhiều lần cùng tình trạng khan hiếm chip máy tính. Bản thân General Motors cũng đang phải chịu khoản lỗ hàng tỷ USD do tái cấu trúc các hoạt động kinh doanh đang gặp khó khăn tại Trung Quốc, trong bối cảnh doanh số bán ô tô tại đây giảm mạnh.
Khó khăn của GM tại Trung Quốc, thị trường xe lớn nhất thế giới, phản ánh một xu hướng rộng hơn. Hầu như tất cả các hãng sản xuất ô tô nước ngoài tại đây, bao gồm cả các công ty châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, đều đang gặp khó vì nhiều hãng nội địa như BYD ngày càng tham vọng. Họ xuất khẩu một lượng lớn ô tô sang các quốc gia châu Á, châu Âu và Mỹ Latinh.
Dẫu vậy, trong một lá thư gửi các cổ đông vào tháng 10/2024, bà Barra vẫn lạc quan rằng công ty đang chứng kiến sự cải thiện đáng kể trong hoạt động tại Trung Quốc. Doanh số bán hàng tại đây trong quý III tốt hơn so với quý II, trong khi hàng tồn kho của đại lý giảm mạnh.
“Tôi vẫn tin rằng người tiêu dùng vẫn muốn chuyển sang xe điện nhanh nhất có thể. Chúng tôi có công nghệ và chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét thị trường”, bà Mary Barra nói.
GM, có trụ sở tại Detroit, là một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất và thành công nhất trên thế giới, được yêu thích nhờ những thương hiệu mang tính biểu tượng như Cadillac, Chevrolet, Hummer… Hiện tại, người ra vẫn chờ đợi thành tích của thương hiệu này, khi nữ tướng Barra không ngừng tham vọng hướng tới một tương lai xanh hơn, sạch hơn với kế hoạch cung cấp độc quyền xe điện, chấm dứt việc sản xuất ô tô con, xe bán tải và SUV sử dụng động cơ chạy bằng dầu diesel và xăng đến năm 2035.

Theo The NY Times, GM hoạt động đặc biệt tốt trong quý thứ III/2024, ghi nhận mức tăng trưởng doanh số xe điện 60% chủ yếu là nhờ các mẫu xe mới như Equinox và Chevrolet Blazer. Một trong năm chiếc Cadillac được bán tại Mỹ từ tháng 7 đến tháng 9 là xe điện. Các chuyên gia nhận định, đối thủ cạnh tranh chính của bà Barra là Ford, Hyundai và các nhà sản xuất ô tô lâu đời cùng cạnh tranh giành cùng 1 nhóm khách hàng.
“Họ không cần phải đánh bại Tesla”, Tom Narayan, một nhà phân tích tại RBC Capital Markets, người theo dõi ngành công nghiệp ô tô cho biết. “Họ chỉ cần đánh bại tất cả những người khác”.
Được biết, sau khi giải quyết được vấn đề liên quan đến việc đóng gói pin thành mô-đun, GM đang nhanh chóng tăng sản lượng tại các nhà máy sản xuất pin ở Spring Hill và Warren, Ohio. Cả hai nhà máy đó và nhà máy thứ ba đang được xây dựng tại Lansing, Mich. đều là một phần của liên doanh với LG Energy Solution (Hàn Quốc). GM đang có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất pin thứ tư tại New Carlisle, Ind., cùng với Samsung.

Một số giám đốc điều hành cấp cao từ Thung lũng Silicon có chuyên môn về công nghệ đã được chiêu mộ. Vào tháng 6/2024, hãng này chiêu mộ David Richardson từ Apple để lãnh đạo phát triển phần mềm, một lĩnh vực mà hầu hết các nhà sản xuất ô tô đều đang gặp khó khăn. Kurt Kelty, cựu giám đốc điều hành cấp cao tại Tesla và Panasonic, một nhà cung cấp pin lớn cho Tesla, cũng gia nhập GM với tư cách phó chủ tịch phụ trách pin.
Theo các chuyên gia, khi thị trường xe điện mở rộng, khả năng sản xuất hàng triệu chiếc xe của GM có thể mang lại cho công ty một lợi thế lớn. Hãng hiện cung cấp 9 loại xe điện từ các bộ phận Cadillac, Chevrolet, GMC và xe tải giao hàng, bao gồm cả Cadillac Lyriq, được sản xuất tại Spring Hill.
Mickey Anderson, chủ tịch Baxter Auto Group, một chuỗi đại lý tại Nebraska, Kansas và Colorado, đồng tình với bà Barra rằng xe điện vẫn sẽ là tương lai. Chúng chắc chắn sẽ trở nên phổ biến, bất kể vị tổng thống Mỹ nào đang tại vị.
“Người tiêu dùng sẽ chọn xe điện vì có cơ sở hạ tầng sạc mạnh mẽ, vì giá cả phải chăng. Họ thích nó”, bà nói.
Theo: The NY Times, CNN, WSJ
Nguồn : Source link